Cây Cảnh Đà Nẵng

Cách trồng cây bonsai đẹp từ rễ, gốc, thân, cành đến ngọn

21/03/2019
2.207
Thú vui chơi cây cảnh bonsai từ lâu đã du nhập vào Việt Nam và được rất nhiều người yêu thích. Những chậu cây cảnh với hình dáng đa dạng luôn khiến lòng người ‘xao xuyến’. Do vậy, hãy học ngay cách trồng cây bonsai, học từ cách gieo hạt đến việc chiết, giâm và ghép cành, rễ bonsai để tự tạo cho mình những chậu cây cảnh đẹp tuyệt vời bạn nhé.

1. Cách gieo hạt đối với cây hoa và cây ra quả

Để gieo hạt trồng cây bonsai, bạn cần thực hiện theo các bước sau:
- Ngâm hạt trong nước ấm khoảng 30 – 40 độ C để kích thích hạt đâm chồi nảy lộc. Riêng với những loại hạt có vỏ quá cứng thì bạn cần phải ngâm trong nước 80 độ C nhé.

- Sau khi ngâm, bạn tiến hành gieo hạt vào đất tơi xốp. Lưu ý là phủ thêm bên trên một lớp rơm hoặc trấu để tránh cho đất bị xói mòn để lộ hạt mỗi khi tưới nước, phủ cho đến khi hạt nhú chồi non.

- Thời gian gieo hạt phù hợp nhất là vào mùa xuân, tuy nhiên, bạn cũng có thể gieo vào tất cả các mùa khác nhé.

2. Cách trồng cây bonsai từ giâm cành

Trong nghệ thuật bonsai, phần lớn các cây cảnh đều được trồng từ cành giâm, do đó, việc biết cách giâm cành là một lợi thế lớn. Khi cắt cành để giâm, bạn cần giữ lại phần chồi non với vài lá búp và cắt gần với chỗ có mấu thì rễ mới nhanh trổ. Đất giâm cành là loại đất tơi xốp đã được xử lý hết các mầm bệnh và côn trùng. Khi giâm, bạn cần cắm cành sâu quá nửa và tưới nước nhiều cho ướt đẫm, đồng thời tiến hành che nắng, thậm chí là phun bụi nước thường xuyên trong quá trình giâm thì cành mới nhanh ra rễ và sống lại.

Giâm cành cây mai

3. Cách chiết cành trên không

Nếu giâm cành mà cây không sống được thì bạn có thể thực hiện phương pháp chiết cành trên không. Bằng cách gọt bỏ một lớp vỏ dưới điểm chọn (vùng gọt có kích thước rộng gấp 3 lần đường kính của cành cây), sau đó bọc vết cắt bằng hỗn hợp bùn trộn hormone thực vật, phủ bên ngoài là rêu rồi bó chặt bằng nilon hoặc một tấm phim nhựa. Cứ bọc như thế và tưới nước ướt đều sau khoảng 2 tháng thì ở chỗ bọc, cành sẽ bắt đầu đâm rễ và bạn có thể tiến hành cắt cành để trồng. Sau khi trồng, khi thấy cành cây mọc thêm rễ mới thì bạn cần phải chăm sóc cẩn thận, giữ cây trong bóng râm, đồng thời tưới nước đều đặn để đất luôn ẩm trong khoảng 2 tuần nhé. Phương pháp này tương đối dễ làm và hiệu quả, bạn có thể thực hiện vào mùa xuân, mùa hè hay đầu thu đều được.

Cách trồng cây bonsai với cách chiết cành trên không

Lưu ý: Nếu bạn chiết cành ở cây thuộc họ thông thì chỗ vỏ bị gọt đi cần phải quấn chặt bằng dây kẽm để hạn chế nhựa rỉ ra cùng với các chất dinh dưỡng. Mặt khác, việc quấn chặt bằng dây kẽm này còn giúp cành nhanh hàn gắn được vết thương và kích thích rễ mọc nhanh hơn đấy.

Thực tế trong cách trồng cây bonsai thì có rất nhiều cách chiết cành khác nhau, chẳng hạn như là chiết cạnh, chiết giâm, chiết gân (còn gọi là ghép áp) hay chiết cành non.

- Chiết cạnh: Đây là phương pháp truyền thống dùng để chiết cành ở các loài cây họ thông. Bạn chọn một cành non có tuổi thọ 1 – 2 năm tuổi, dài 10 cm và giữ lại khoảng 10 cụm lá ở đỉnh. Tiếp theo, ở phía dưới một chồi non, bạn rạch một đường chéo 2 cm một bên, đồng thời rạch tiếp một đường chéo 0,5 cm nữa ở phía bên kia. Tiếp tục, bạn rạch một đường xiên ở phần gốc ghép, hay chính là nơi tiếp giáp với đất sao cho tạo thành một gốc 30 độ so với trục thằng đứng và sâu bằng một phần ba. Cuối cùng, bạn cắm một chồi non vào vết rạch chéo trên cành sao cho lớp sợi vỏ có sự sống của chồi nằm khớp với gốc ghép để lấy dinh dưỡng, sau đó cột chặt lại bằng nilon. Cứ để như thế cho đến khi thấy cành chiết sống được thì đợi đến độ mùa đông, bạn tiến hành cắt cành ra để trồng.

- Chiết giâm: phương pháp này chỉ nên áp dụng khi bạn thấy cây đã chảy nhựa nhưng không đâm ra chồi non. Trước hết, gốc ghép phải được cắt bỏ đoạn 3 cm trên mặt đất, bạn rạch một đường 3 cm giữa phần gỗ và phần vỏ. Phần trên của cành để lại 2 – 3 chồi, phần dưới được gọt nhọn như hình mũi lao. Tiếp theo, bạn áp mặt cắt dài vào phần cứng của gốc ghép, nhớ là áp chính xác phần ‘cambnan’ của cành mầm và gốc ghép, sau đó cột và nén đất chặt bằng nilon, chỉ như thế thì việc chiết giâm mới thành công.

Cách trồng cây bonsai bằng phương pháp chiết giâm

- Chiết gân (hay còn gọi là ghép áp): Ở phương pháp này, bạn chỉ việc ghép áp cành non và gốc ghép khi chúng đều đang phát triển bình thường nhờ việc lấy chất dinh dưỡng từ rễ riêng. Nhờ đó, cành chiết sẽ sống dễ dàng hơn khi luôn nhận được sự hỗ trợ của rễ riêng mà không phụ thuộc vào gốc ghép. Có lẽ vì thế mà phương pháp chiết gân này hay được người ta áp dụng cho các loại cây có khả năng sinh tồn yếu, trong thời gian tăng trưởng của cây. Hoặc trong trường hợp cây bonsai đã đẹp nhưng thiếu mất một cành nào đó sẽ giúp cho hình dáng cây trở nên hoàn hảo hơn thì người ta cũng dùng phương pháp chiết gân này để hoàn chỉnh.

Để ghép áp, trước hết bạn phải gọt vỏ chính xác ở nơi được lựa chọn sẽ là nơi tiếp giáp giữa gốc ghép với chồi non. Ở cả hai bộ phận, bạn đều gọt sâu vào thân gỗ từ khoảng một phần ba cho đến một nửa. Chiều dài của vị trí tiếp giáp dài hay ngắn sẽ phụ thuộc vào  chiều ngang của chồi non, thông thường, vùng giao nhau này sẽ dài gấp 4 lần so với đường kính của chồi đấy nhé. Tiếp tục, bạn tiến hành ghép áp hai phần đã gọt vỏ vào với nhau, đồng thời giữ và cột chặt lại bằng nilon. Khoảng 1 tháng sau khi chiết gân hoàn thành, vết thương của cả chồi và gốc ghép sẽ lành trở lại và sự sống lại bắt đầu. Và đó là lúc mà bạn có thể cành ra để trồng.

Cách trồng cây bonsai với phương pháp chiết gân

- Chiết cành non: Trong cách trồng cây bonsai, sự sáng tạo là vô hạn. Nếu bỗng dưng tìm thấy một thân cây cụt có dáng rất đẹp, bạn hoàn toàn có thể biến nó thành một cây bonsai ‘lung linh’ luôn bằng cách ghép những cành non khác vào thân cây cụt đó. Để làm như vậy, bạn phải thành thạo kỹ thuật chiết cành non. Trước hết là cắt bỏ một đoạn gốc ghép, gọt sạch và chẻ một đường dài khoảng 1 cm ở ngay chính giữa. Tiếp đến, bạn cắt chéo hai nhát ở hai bên của cành non để tạo thành hình mũi lao và cắm chặt vào đường chẻ trên gốc ghép. Cuối cùng, bạn dùng nilon để buộc chặt mối ghép và che kín phần ngọn chồi non để bảo vệ lá không bị khô héo. Lưu ý là nếu gốc ghép to, bạn có thể chiết nhiều cành non cùng một lúc nhé.

4. Cách chiết rễ đơn giản

Chiết rễ là một kỹ thuật quan trọng khi trồng cây bonsai. Có nhiều cách chiết rễ khác nhau, một trong số đó là nối một cành nào đó vào rễ cây ở gốc ghép. Đối với những cây thiếu rễ lớn hay có quá nhiều rễ nhỏ đâm theo nhiều hướng thì bạn có thể sử dụng kỹ thuật chiết nhiều rễ để kết cấu nó thành một cây bonsai hoàn mỹ.

5. Cách trồng cây bonsai với kỹ thuật ghép cành xuyên qua thân cây

Là một kỹ thuật quan trọng, ghép cành xuyên qua thân cây thường được thực hiện để tạo thêm những nhánh cây mới trên cây gốc. Giống như cái tên phức tạp của nó, kỹ thuật này rất khó thực hiện và thường chỉ thành công khi bạn thực sự có tay nghề và có kinh nghiệm. Để ghép cành xuyên qua thân cây, bạn tiến hành theo các bước sau:

- Lựa chọn vị trí ghép, đó là vị trí mà bạn muốn có thêm một nhánh cây để dáng bonsai trở nên hoàn hảo hơn. Mặt khác, chỉ khi vị trí đó không thể áp dụng kỹ thuật ‘tỉa cành ép nhánh’ để có được một nhánh cây như mong muốn thì bạn mới buộc phải sử dụng kỹ thuật ghép cành xuyên qua thân cây này nhé. Tiếp nữa là vị trí ghép phải ở nằm ở đoạn thân đủ lớn để khi khoan lỗ xuyên qua thân cây, vết thương sẽ không làm cây chết hay làm chững quá trình phát triển của cây lại.

Dụng cụ dùng để ghép cành trong cách trồng cây bonsai

- Tiếp đến là bạn chọn cành để ghép vào cây. Đó phải là cành nhỏ, dài, mềm để dễ uốn nắn và xuyên qua thân cây đã khoan lỗ. Cành ghép này có thể lấy ở một vị trí khác từ chính cây bonsai bạn muốn ghép hoặc lấy từ một cây khác cùng loài.

- Khi đã chọn được cành ghép phù hợp, bạn bắt đầu khoan một lỗ xuyên qua thân cây bằng một mũi khoan nhỏ để thăm dò trước, sau đó mới khoan rộng dần ra cho đến khi nó đủ rộng để xuyên cành ghép vào. Lưu ý là lỗ khoan này không được rộng quá vì nếu rộng quá thì không những vết thương lâu lành mà gốc cây còn mất nhiều thời gian mới ‘ôm’ sát được cành ghép. Lỗ khoan cũng không được hẹp quá vì khi xuyên cành ghép vào lỗ sẽ dễ làm chết những mầm non khác trên cành.

Ngoài ra, bạn nên khoan lỗ bắt đầu từ mặt sau của thân cây, nơi nằm ngoài tầm mắt của người nhìn để ‘che giấu’ vết sẹo mờ về sau. Và tốt hơn hết là bạn nên khoan khéo sao cho đầu lỗ khoan thấp hơn cuối lỗ khoan vì nếu như thế, cành cây sẽ mọc hướng lên và tiếp tục mọc thêm ngọn, đồng thời phía đầu kia sẽ đâm chồi phát triển mạnh mẽ.

- Sau khi khoan lỗ xong, bạn tuốt hết lá trên cành ghép, tránh chạm tới mắt mầm ở dưới nách lá nhé. Sau đó cẩn thận đút cành ghép vào lỗ khoan, riêng với cành cây mềm thì cố gắng thực hiện công đoạn này bằng cách rút nhánh cây chứ không đẩy để tránh cho việc cành cây bị oằn.

Bạn đút cho đến khi thấy mắt mầm đầu tiên trên cành nằm cách lỗ khoan một khoảng ngắn để đảm bảo lóng cây đầu tiên tạo thành sau khi ghép là lóng ngắn (đẹp hơn lóng dài). Mặt khác, sau khi đã đút cành vào đúng vị trí cần thiết, bạn dùng một miếng gỗ mỏng và nhỏ chèn vào lỗ khoan dọc theo cành ghép để chêm cho chắc chắn và để cành ghép nhanh chóng hòa nhập với thân cây. Cuối cùng thì dùng một ít bột nhão để trám lại vết khoan.

- Để cành ghép phát triển tốt thì không thể bỏ qua công đoạn chăm sóc trong cách trồng cây bonsai này, chẳng hạn như loại bỏ mầm mới nhú ở ‘đầu vào’ lỗ khoan để tập trung dinh dưỡng nuôi sự phát triển của mầm ở ‘đầu ra’. Mặt khác, bạn không nên tỉa nhánh ghép để thúc đẩy quá trình cành dày lên. Khi cành dày lên đến một độ nhất định thì bắt đầu hòa nhập và gắn kết cùng với thân cây gốc. Từ đó trở đi, cành ghép sẽ trực tiếp nhận được sự nuôi dưỡng của thân cây, phát triển nhanh hơn ở phía ‘đầu vào’ và tăng trưởng đường kính một cách rõ rệt.

- Khi cành ghép ở ‘đầu ra’ phát triển to hơn ‘đầu vào’, trên lý thuyết là bạn đã có thể cắt bỏ phần gốc cành ở đầu vào nhưng đừng vội làm như thế nhé vì lúc này, cành cây đầu ra vẫn đang nhận được dinh dưỡng của cả thân cây gốc và cây bố mẹ. Đặc biệt, khi cắt bỏ ‘đầu vào’, bạn nên cắt sao cho vẫn chừa lại một đoạn cành để cành ‘đầu ra’ thích nghi dần với việc mất đi ‘bố mẹ’ và chỉ còn nhận được dinh dưỡng từ thân cây mà nó mới được ghép vào. Sau đó 3 – 4 ngày, bạn có thể cắt bỏ hoàn toàn đoạn cành đã chừa lại rồi dùng bột nhão trám khít lại nhé. Như vậy là bạn đã hoàn thành tất cả các bước của kỹ thuật ghép cành xuyên qua thân cây rồi đấy.

 

Ghép cành xuyên qua thân cây là một kỹ thuật khó trong cách trồng cây bonsai

Trên lý thuyết, bạn có thể áp dụng kỹ thuật này bất cứ lúc nào trong năm nhưng tốt hơn hết là thực hiện vào mùa hè để cành ghép có đủ điều kiện phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ và nhanh phục hồi vết thương. Thời điểm cắt cành ghép khỏi ‘bố mẹ’ của nó tùy thuộc vào từng loại cây và tùy thuộc vào tình hình phát triển cụ thể của cành ghép trong quá trình thực hiện. Thông thường là cắt sau 2 – 3 tháng đối với những loài cây nhanh lớn như cây đa… và 2 năm đối với những loại cây chậm lớn như loài táo gai chẳng hạn. Mặc dù có thể áp dụng kỹ thuật ghép cành xuyên qua thân cây đối với tất cả các loại cây thuộc họ lá rộng nhưng bạn lại không thể thành công nếu như cây bonsai là loại cây có quả hình nón, đơn giản là bởi vì khi tuốt lá, cây có quả hình nón rất dễ chết do bị sốc hoặc không thể phát triển được nữa.

Vì là một kỹ thuật khó nên việc cấy ghép cành xuyên thân cây rất dễ gặp thất bại bởi nhiều lý do. Phổ biến nhất là do người ghép thiếu kiên nhẫn, không thể chờ được cho đến khi cành ghép thực sự hòa nhập vào thân cây gốc. Hay do người ghép quá nóng vội trong quá trình thực hiện, tiến hành cắt bỏ ‘đầu vào’ của cành ghép quá sớm khiến nó không thích nghi kịp với việc chỉ được tiếp nhận dinh dưỡng từ thân cây gốc.

6. Cách trồng cây bonsai với kỹ thuật ghép rễ

Bên cạnh các kỹ thuật chiết, ghép cành ở trên thì kỹ thuật ghép rễ cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng giúp tạo cho cây những bộ rễ tuyệt đẹp. Đối với cây bonsai, rễ không chỉ có chức năng giúp cây đứng vững, giúp cây lấy nước và chất dinh dưỡng từ đất mà còn là một phần giúp tạo thế, tạo dáng nữa. Thường thì người chơi sẽ cố biến bộ rễ cây nổi trên mặt đất trở nên sần sùi, già cỗi để tăng thêm vẻ đẹp ‘cổ thụ’ của cây, đồng thời che giấu khuyết điểm bằng cách sử dụng nhiều rêu, đá và cỏ che chắn.

Kỹ thuật ghép rễ có thể được thực hiện ở bất cứ loại cây bonsai nào, từ cần thăng, gừa, mai chiếu thủy đến sanh, si hay sộp… Miễn là rễ dùng để ghép được lấy từ một cây khác cùng loài với rễ gốc là được.

Kỹ thuật ghép rễ để tạo cho cây bonsai dáng đẹp hoàn hảo trong cách trồng cây bonsai

Để tiến hành ghép rễ, bạn hãy tiến hành các bước sau đây:

- Chọn một cây khác cùng loài, cây nhỏ phù hợp để ghép vào chỗ khiếm khuyết ở bộ rễ của cây gốc.

- Trước khi ghép, bạn phải nhổ cây bonsai ra khỏi chậu, sau đó loại bỏ sạch đất bám trên rễ và tỉa bớt cành lá cho thoáng.

- Tiếp đến là dùng mũi khoan có đường kính bằng với đường kính cây nhỏ để khoan xuyên qua chỗ gốc cây, nơi mà bạn muốn ghép rễ mọc ra từ đó.

- Sau đó nhẹ nhàng nhét đoạn cây con vào lỗ khoan, nhét cho đến khi xuyên hết gốc cây và thừa ra ngoài khoảng 2 – 3 cm. Nhét xong thì bạn dùng dây buộc chặt lại để cố định chỗ ghép nhé.

- Cuối cùng, bạn trét kín khe hở ở hai đầu khoan bằng mác-tít hoặc hỗn hợp mỡ bò trộn ký ninh để tránh cho nước ngấm vào bên trong. Sau đó trồng lại cây bonsai vào chậu rồi tưới nước, lưu ý là bạn nên thay đất và bón phân mới trước khi cho cây vào nhé. Cây mới ghép rễ cần được để nơi khuất gió, thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp của mặt trời, sau khoảng 1 tháng thì mới chuyển dần ra nắng để cây thích nghi lại từ đầu.

Một thời gian sau khi hoàn thành kỹ thuật ghép rễ theo hướng dẫn trên, cây con dùng làm rễ mới sẽ vẫn tiếp tục phát triển tự do, đâm chồi nảy lộc nhưng bạn không cần phải lo lắng vì điều đó đâu nhé. Đến khoảng 4 – 6 tháng, nhánh cây con sẽ lớn lên bít kín các khe hở trong lỗ khoan, đồng thời dính liền và hòa nhập vào bộ rễ gốc. Đó là lúc bạn có thể cắt bổ đoạn cành 2 – 3 cm đã chừa ra trong quá trình ghép rễ, cắt sát mép lỗ khoan và loại bỏ những cành, lá và chồi mọc ra từ cành ghép nhé.

Với phương pháp này, bạn có thể ghép cùng lúc thêm vài chiếc rễ quanh gốc để có được một bộ rễ bonsai như ý muốn. Trong thời gian đầu, rễ ghép thêm thường có màu sáng hơn so với rễ cũ nhưng để càng lâu thì chúng càng hòa lẫn với nhau đến mức bạn không thể phân biệt được nữa.

Thông tin liên hệ

  • Cơ sở 1: 330 Xô Viết Nghệ Tĩnh, Quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng

  • Cơ sở 2: đường Võ Chí Công (Chân Cầu Khuê Đông phía bên Quận Ngũ Hành Sơn), TP. Đà Nẵng

  • ​Số điện thoại liên hệ: 0935.148.968 (bán sỉ và lẻ) – 0916.700.968 (bán sỉ và lẻ) – 0905.593.968 (dự án).

  • Email: hoasenvietdn@gmail.com

Nguồn: lamsao

Bài viết tương tự
30/10/2023
547
Khám phá cây chanh tứ quý - một loại lá đặc biệt kết hợp hương vị độc đáo trong nấu ăn và tác dụng chữa bệnh tuyệt vời trong y học dân gian. Có giá siêu "sốc" tại các quốc gia khác, chần chờ gì mà hãy đọc bài viết ngay để biết cách cây chanh tứ quý từng bước trở thành một nguồn quý giá cho sức khỏe và nấu ăn ngon.
26/10/2023
205
Lan Hồ Điệp - biểu tượng của sự thanh cao và sang trọng, hiện đang rất được ưa chuộng tại Đà Nẵng. Khám phá lựa chọn nơi mua bán Lan Hồ Điệp sỉ và lẻ tại chúng tôi và thêm sắc màu hoa lan vào cuộc sống và không gian của bạn. Bạn muốn bán hoa lan Hồ Điệp ngày tết và cần nguồn hoa lan uy tín tại Đà Nẵng ? Giải đáp thắc mắc :" Tại sao Lan Hồ Điệp luôn là một trong những món quà ưa chuộng nhất? " - "Giá của Lan Hồ Điệp ngày một càng giá trị?".
01/04/2020
2.524
Để lựa chọn phân bón tốt cho cây trồng bạn cần biết điều gì? Phân bón là mang lại nguồn dinh dưỡng dồi dào cho cây trồng, thế nhưng tùy vào từng giai đoạn của cây và tùy vào giống cây mà chúng ta lựa chọn phân bón sao cho phù hợp. Vậy chúng ta làm sao để lựa chọn được phân bón tốt nhất cho cây? Con người không thể thiếu năng lượng, cũng như thế cây không thể thiếu phân bón. Phân bón đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự sống, sinh trưởng phát triển của cây xanh. Do đó việc bón phân đúng liều lượng, đúng giai đoạn, đúng loại phân …là điều cần chú trọng để giúp cho cây trồng của bạn luôn đạt chuẩn nhất. Việc lựa chọn phân bón cho cây cũng không quá khó khăn như các bạn đã nghĩ. Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây chúng tôi sẽ chia sẻ cho bạn những điều tuyệt vời về việc chọn lựa phân bón tốt nhất cho cây nhé!